Tìm hiểu về giáo sư Trần Ngọc Ân
Thầy chủ nhiệm Đặng Văn Chung phân công BS. Ân và các bác sĩ trẻ luân phiên điều trị các loại bệnh khác nhau ở các phòng bệnh theo từng giai đoạn. Thầy yêu cầu các bác sĩ trẻ phải đọc sách, tự tìm hiểu sâu vấn đề giữa sách vở và thực tế người bệnh Việt Nam. Qua các buổi giao ban, đi tua hay lên lớp là cơ hội thầy bồi dưỡng thêm về chuyên môn cũng như về đạo đức người thầy thuốc.
Nhận một chuyên khoa mới
Bước sang năm 1968 đã hình thành các khối bệnh tật để có các phân môn trong khoa nội như: Hồi sức cấp cứu, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, thận và tiết niệu, các bác sĩ xin thầy cho đi sâu vào các chuyên khoa.
BS. Ân xin thầy cho đi sâu vào chuyên ngành thấp khớp, với lý giải, do hoàn cảnh thời tiết Việt Nam nóng và ẩm, nông dân lao động vất vả, có nhiều người bệnh. GS. Đặng Văn Chung nói: “Thấp khớp là chuyên ngành mới, tài liệu sách vở còn ít, tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi không dạy được anh đâu. Anh phải cố gắng”.
Trước yêu cầu của bệnh nhân, hiểu những khó khăn khi đi vào một chuyên ngành mới, BS. Ân tự nhủ việc chưa có thì phải làm, khó khăn thì phải vượt qua, đấy là cá tính và cũng là bản lĩnh. GS. Chung đã dành một số giường cho bệnh nhân của BS. Ân.
Năm 1969, các nhà thấp khớp đầu tiên của Việt Nam bắt đầu gặp những bệnh nhân mắc bệnh gút. Ai cũng nghĩ rằng bệnh thường chỉ mắc ở các nước phát triển, do tăng acid uric trong máu. Bệnh nhân rất đau đớn, không đi lại được. Trong y văn cổ điển ghi rõ: chỉ dùng khoảng 10 viên colchicine 1mg là khỏi trong đợt đau ấy. Quốc doanh Dược phẩm Việt Nam khi ấy không có loại thuốc này.
BS. Ân biết ngành nông nghiệp có nhập hóa chất tinh khiết colchicine làm hóa chất dùng trong các thí nghiệm gây biến dị giống cây trồng. Ông đã mấy lần đạp xe sang Trường đại học Nông nghiệp thuyết phục các nhà khoa học bên đó cấp cho 2 gam. Chỉ 2 gam thôi, DS. Thành của khoa Dược bệnh viện đã bào chế thành 1.000 viên 1mg. 1.000 viên thuốc này thật quý giá, từ bệnh nhân đầu tiên đến gần 100 bệnh nhân tiếp theo, dùng thuốc có kết quả ngay. Bệnh khỏi, họ rất sung sướng.
Theo thực tế lâm sàng trên bệnh nhân từ khắp nơi trên miền Bắc gửi về Bệnh viện Bạch Mai khám và chữa bệnh, đối chiếu với lý thuyết trên sách vở còn rất ít ỏi trong các thư viện, BS. Ân nhận xét, ghi chép tỉ mỉ, dần dần tổng kết thành các phác đồ chẩn đoán và điều trị. Vào những năm tháng đó, thuốc chữa vẫn là các thứ thuốc giảm đau cổ điển như aspirin, natri salicylat, phenacetin. Tìm trong các hòm thuốc viện trợ nhân đạo mới thấy ít viên Indomethacine, một số hydrocortison của các nước Đông Âu, hay cortancyl của Pháp. Ông đã cùng các nhà dược học như GS. Đặng Hồng Vân, GS. Đoàn Thị Nhu sử dụng các dược liệu trong nước như rắn biển, cây trinh nữ, cây nhàu… và sau này là thuốc Hyđan của Thanh Hóa để chữa thấp khớp có hiệu quả.
Kiến thức ngày càng nhiều thêm do được bổ sung không ngừng từ thực tế bệnh nhân. Năm 1974, BS. Ân được cử đi tham quan, trao đổi ở Hung-ga-ri 6 tháng. Ông có cơ hội gặp các đồng nghiệp chuyên ngành cũng như tranh thủ đọc được nhiều sách báo để kiểm định những việc đã làm. Ông rất mừng vì thấy những việc đã làm trong mấy năm phù hợp với các kiến thức chung, các phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh ở Việt Nam không khác với nước ngoài.
Năm 1968, chuyên ngành thấp khớp được khai phá. Năm 1978, khoa Xương khớp của Bệnh viện Bạch Mai được thành lập. Từ một giảng viên, năm 1981, Trần Ngọc Ân là một trong các Phó tiến sĩ đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ trong nước tại Trường Đại học Y với đề tài: “Viêm cột sống dính khớp”. Đến nay, GS.TS. Trần Ngọc Ân trở thành chuyên viên đầu ngành thấp khớp học, là Chủ tịch Hội thấp khớp học Việt Nam. Chuyên ngành thấp khớp ngày càng có rất nhiều vấn đề để khai thác, ông đã đào tạo được trên 10 tiến sĩ, trên 30 bác sĩ chuyên khoa cấp II, thạc sĩ và bác sĩ nội trú. Chuyên ngành thấp khớp có chỗ đứng trong hệ điều trị của nước ta. Giáo sư đã đưa ngành xương khớp lên một tầm cao mới, hòa nhập với các nước trong khu vực và thế giới. GS. Ân đã tham gia giảng dạy, dự nhiều hội nghị, hội thảo khoa học tại nhiều nước trong khu vực và quốc tế, được chuyên gia các nước kính nể.
Năm1984, Bộ Y tế cử TS. Trần Ngọc Ân đi công tác biệt phái tại Đại học Tây Nguyên. Gần hai năm đảm nhiệm Phó trưởng khoa – Bí thư chi bộ khoa Y, từ kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tại Trường đại học Y Hà Nội, ông đã tham gia tổ chức quản lý khoa y, lên chương trình, tổ chức công tác giảng dạy và quản lý sinh viên. Kết thúc đợt công tác biệt phái, các hoạt động của Khoa y Đại học Tây Nguyên đi vào nề nếp.
Năm 1995, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định bổ nhiệm GS. TS. Trần Ngọc Ân, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội làm Giám đốc Bệnh viện E. GS. Ân đã tiếp nhận chèo lái con thuyền Bệnh viện E vào lúc bệnh viện trong tình trạng xuống cấp về cơ sở, về phương tiện làm việc và về chất lượng công tác. Những khó khăn trở ngại hiện ra trước ông, có nhiều điều mà ông không ngờ tới: trong khi các bệnh viện khác quá tải thì Bệnh viện E thiếu bệnh nhân. Bệnh viện phải giảm quy mô từ 600 xuống 300 giường bệnh, mà bệnh nhân chỉ đến được một nửa. Bệnh viện từ hạng I phải xếp xuống hạng II. Đó là một thách thức to lớn với vị giám đốc mới. Tuy nhiên, với bản lĩnh và kinh nghiệm của mình, trên cương vị Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy bệnh viện, Giáo sư cùng Đảng ủy từng bước vượt qua nhiều khó khăn, bằng việc củng cố bộ phận lãnh đạo, kiện toàn đội ngũ cấp trưởng, phó khoa phòng, phát huy đoàn kết và dân chủ trong mọi công tác. Bệnh viện đã năng động đầu tư các trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Năm 1997, sau 2 năm chèo lái, thuyền trưởng Trần Ngọc Ân cùng tập thể cán bộ đã đưa bệnh viện vượt qua giai đoạn khó khăn, các hoạt động có hiệu quả, nhiều công tác chuyển biến. Nhân 30 năm thành lập, tháng 10/1997, Bệnh viện được Nhà nước khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm 2002, với những thành tích tốt đẹp nhân kỷ niệm 35 năm thành lập, bệnh viện được công nhận là Bệnh viện loại I và được Nhà nước khen thưởng Huân chương Độc lập hạng III.
Năm 2004, GS. Trần Ngọc ân nghỉ công tác quản lý Bệnh viện, sau 9 năm làm giám đốc. Từ 2004-2007, ông tiếp tục chỉ đạo chuyên môn tại Trung tâm Cơ xương khớp của bệnh viện. Nhân lễ chúc mừng GS. Trần Ngọc Ân 70 tuổi và chính thức nghỉ hưu từ 1/5/2007, PGS.TS. Đoàn Hữu Nghị – Giám đốc Bệnh viện E, đã nói: “Sự đóng góp của Giáo sư là rất to lớn. Ngày nay, Bệnh viện E phát triển thành bệnh viện lớn, có uy tín, tiến tới khang trang hiện đại, chúng tôi luôn luôn nhớ ơn thầy trong 12 năm qua. Cán bộ viên chức bệnh viện luôn nhớ đến một đảng viên mẫu mực với 24 năm tuổi Đảng, một giám đốc năng động, mạnh mẽ, một người thầy, người anh tận tình, chu tất”. Nhân dịp này, Giáo sư được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai. Năm 2001, Giáo sư đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Người thầy giáo tận tụy
47 năm làm việc, phấn đấu không mệt mỏi trên cương vị là người thầy, người anh dìu dắt nhiều thế hệ các thầy thuốc, GS. Trần Ngọc ân đã trực tiếp đào tạo nhiều cán bộ có trình độ khoa học, nhiều nhà giáo ưu tú. Giáo sư có cách thức tổ chức giảng dạy khoa học, sinh động, được sinh viên mến phục, cán bộ yêu quý và bạn bè tin cậy. Khả năng tư duy và trình độ kiến thức của Giáo sư thể hiện ở khả năng chẩn đoán lâm sàng, giảng bài trên lớp cũng như là tác giả của hàng chục công trình khoa học. Ông là tác giả cuốn sách Bệnh thấp khớp và 3 cuốn sách khác ông đã tham gia biên soạn: Bách khoa thư bệnh học, Bệnh học Nội khoa và Nội khoa cơ sở.
Sau khi nghỉ hưu, GS. Trần Ngọc Ân vẫn mạnh khỏe, vẫn tiếp tục sự nghiệp vì người bệnh, ông là cố vấn chuyên môn cho Bệnh viện tư nhân Trí Đức tại Hà Nội, tiếp tục các hoạt động chuyên môn đào tạo sau đại học tại các trường đại học.
Gia đình GS. Trần Ngọc Ân vừa là điểm tựa, là nguồn động viên lớn để ông cống hiến cho ngành. Ông có những đồng nghiệp trong cùng gia đình: TS. Phạm Thị Ngọc Bích – nguyên Đại tá Chủ nhiệm khoa A1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là phu nhân, ThS. Trần Tô Châu – BS khoa Cơ xương khớp – Bệnh viện Bạch Mai là con gái thứ; cả ba người đã và đang làm việc hết mình vì vinh quang của ngành y, một nghề cao quý trong xã hội.
Trần Giữu